Vì sao người trái ngành không nên học IT?

Liệu rằng ngành CNTT có dễ học dễ đạt được mức lương nghìn đô như báo đài và các đơn vị truyền thông đưa tin trong vài năm trở lại đây ? 

Nếu bạn là người trái ngành đang mong muốn trở thành một lập trình viên với mức lương nghìn đô và công việc đỡ vất vả hơn công việc hiện tại bạn đang làm thì hãy tham khảo bài viết này trước khi quyết định bỏ công việc và ngành học của mình để theo đuổi ngành CNTT.

Chắc hẳn khi bạn có ý định chuyển hướng sang học công nghệ thông tin thì phần lớn bạn bị tác động với các thông tin trên các mạng xã hội, các bài báo được book để quảng cáo cho trung tâm học lập trình. Những bài viết với tiêu đề như “Cụ ông 86 tuổi trở thành lập trình viên sau 6 tháng” hay “Anh xe ôm công nghệ tìm được việc lập trình với mức lương nghìn đô chỉ sau vài tháng học tập chăm chỉ” hay các tiêu đề bài báo đại loại kiểu như như vậy.

Tất cả những ai đã từng học CNTT và làm việc trong lĩnh vực này sẽ đều thấy được đó là những thứ mơ hồ và phần lớn là những câu chuyện được thêu dệt nhắm đánh vào tâm lý muốn nhanh kiếm việc trong một thời gian ngắn của những người chuyển ngành và những sinh viên IT năm cuối mất gốc. Tại sao lập trình viên lại có thu nhập tốt hơn so với mặt bằng chung các công việc khác, bởi vì nó khó học khó làm và không phải ai cũng có thể trở thành lập trình viên.

Sau đây mình sẽ nêu ra một vài lý do mà mình thấy một người trái ngành không nên học CNTT?

1. Học IT cần lộ trình học rõ ràng và cần được đào tạo bài bản

Vì sao mình luôn ủng hộ các bạn sinh viên học đại học, cao đẳng thay vì tự học, cho dù bạn có học một trường không phải top đào tạo về CNTT cũng vẫn sẽ tốt hơn là bạn tự học. Bởi vì khi bạn theo học tại một đại học nào đó thì nhìn chung bạn đã có lộ trình rõ ràng và được đào tạo bài bản những kỹ năng cần thiết của một lập trình viên. Tất nhiên phần lớn kiến thức để đi làm bạn lại phải tự học nhưng các môn học ở đại học giúp cho bạn biết mình cần phải học gì, những lần trượt môn cho bạn biết bạn thiếu kỹ năng gì mà bù đắp lại.

Ngược lại nếu bạn tự học thì bạn cần phải tự tìm hiểu xem mình cần phải học những gì và bạn cũng không thể biết liệu rằng kỹ năng mình đang học đã đủ hay chưa hay cần rèn luyện thêm trước khi học kỹ năng khác. Việc tìm hiểu các thông tin trên mạng khi đó sẽ rất khó khăn vì quá nhiều luồng thông tin và bạn không biết phải lựa chọn thông tin chính xác để tham khảo. 

Khi bạn tự học mà không có lộ trình và hướng dẫn thì dần dần bạn sẽ nản và không thể theo được, đôi khi động lực của bạn trỗi dạy và bạn lại lao vào học được 1 2 ngày nó lại quay lại với sự chán nản vì bạn không thể thấy được kết quả nhãn tiền từ việc học và bạn cũng lo lắng cho tương lai của mình, liệu rằng mình có thể tìm được việc hay không?

2. Lập trình là một mảng khó học

Mình đã từng hướng dẫn rất nhiều sinh viên CNTT, có những sinh viên thuộc các trường top như UIT, HCMUS, BK hay PTIT với điểm đầu vào rất cao nhưng khi bắt đầu học lập trình thì họ cũng không thể học tốt được. Không thể nói họ là những người không thông minh, phần lớn họ là những người không kiên trì. Khi học lập trình những cái cực kỳ cơ bản như vòng lặp, hàm cũng sẽ là thách thức với người mới. Khi người mới học họ luôn muốn có kết quả ngay, ví dụ như xây dựng một website hay một game nhưng họ lại thất bại ngay từ việc hiểu vòng lặp chạy như thế nào hay áp các bài toán cơ bản trên mảng. 

Liệu rằng bạn là một người chuyển ngành, bạn học ngành khác ít động chạm tới các con số, các tư duy logic, kiến thức toán học hoặc đã rất lâu rồi bạn không còn thói quen học tập hàng ngày thì bạn có thể kiên trì để học những cái cơ bản nhất không. Những cái cơ bản đó cũng có thể làm bạn muốn đập bàn phím luôn đấy, không tin thì bạn có thể thử trải nghiệm. 

Mà từ lúc bắt đầu học lập trình tới khi đi làm thì nó là một chặng đường rất dài, bạn có thấy rằng rất nhiều sinh viên CNTT học đại học 4 5 năm nhưng họ không thể kiếm được việc, làm công việc không liên quan tới CNTT thậm chí không ra được trường không. Vậy bạn có lợi thế gì so với họ để đảm bảo rằng bạn cũng không giống như họ? 

3. Công việc và cuộc sống hiện tại làm bạn bỏ cuộc

Phần lớn các bạn chuyển ngành thì đang có một công việc hay ngành học hiện tại, khi mới bắt đầu học lập trình bạn sẽ nghĩ mình sẽ cân bằng được cả việc học lập trình và cả công việc hiện tại nhưng thực tế hoàn toàn khác. Thử tưởng tượng bạn có một công việc 8 tiếng hàng ngày về nhà bạn có thể bỏ thêm 4 5 tiếng buổi tối để ngồi học lập trình hay không? 

Khi bắt đầu có ý định chuyển ngành sang học CNTT chắc chắn tinh thần của bạn sẽ lên rất cao, bạn sẽ nghĩ tới những viễn cảnh đẹp đẽ đó là bạn sẽ vừa làm và vừa học CNTT mỗi ngày, dành ra mỗi ngày 3-5h trong mấy tháng liền. Nhưng thực tế đa phần chúng ta sẽ không thực hiện được điều đó, việc này cũng giống như đầu kỳ học bạn sẽ tự hứa rằng kỳ này bạn sẽ đạt điểm thật cao và ôn thi thật sớm thay vì ông thi gấp gáp mấy tuần cuối cùng. Cũng như mình hồi còn đi học thôi, kỳ sau nó giống hệt kỳ trước chứ chẳng có thay đổi nào cả.

Một thời gian học không đem lại cho bạn sự tiến bộ, kết quả và bạn không biết mình nên học gì tiếp theo. Điều này sẽ làm bản thân bạn nản chí và dần dần bạn có xu hướng chấp nhận công việc và ngành học hiện tại của bạn.

4. Ngành CNTT có cạnh tranh lớn và dễ bị đào thải

Hiện tại thì ngành IT là ngành có cạnh tranh rất lớn, các trường đại học thi nhau mở ngành CNTT trong khi đó không phải là điểm mạnh của họ, bên cạnh đó thì chỉ tiêu tuyển sinh cũng tăng. Do nhu cầu học CNTT quá lớn nên các trường cũng cần phải thay đổi để đảm bảo nguồn cung. Dù lượng sinh viên học CNTT thì nhiều nhưng hàng năm Việt Nam vẫn thiếu 180000 tới 250000 lập trình viên, vậy nếu bạn là người chuyển ngành thì lợi thế của bạn là gì so với sinh viên CNTT được đào tạo bài bản kia. Chưa kể nếu kỹ năng của bạn kém thì bạn còn không cạnh tranh nổi với AI chứ chưa nói đến các lập trình viên khác. 

Nếu bạn đã lớn tuổi vậy liệu rằng sau khi bắt đầu công việc lập trình viên với vị trí fresher thì 1 vài năm sau bạn còn tiếp tục học và phát triển kỹ năng nghề nghiệp như các bạn trẻ mới ra trường còn rất trẻ và khỏe. 

Kết luận : Với mình thì việc chuyển ngành sang học CNTT có khó khăn rất lớn, nêu ra các lý do ở đây không phải để các bạn bỏ suy nghĩ chuyển ngành mà giúp các bạn có được sự đánh giá kỹ càng hơn trước khi quyết định. Những người trái ngành mà mình từng biết chỉ có khoảng 20% là tiếp tục theo được ngành này và kiếm được một công việc liên quan tới lập trình. Tất nhiên khi bạn đủ quyết tâm và sự kiên trì thì bạn có thể bắt đầu học lập trình càng sớm càng tốt, hãy bắt đầu với phần kỹ thuật lập trình để đánh giá xem mình có phù hợp với mảng này hay không thay vì chọn Fullstack hay AI ngay từ đầu. 

Với mình thì việc bạn mưu cầu một công việc tốt hơn và có thu nhập cao là hoàn toàn chính đáng và đáng được khích lệ, tôn trọng, ngưỡng mộ. Tuy nhiên trước mắt sẽ có nhiều khó khăn và hy vọng bạn có đủ bản lĩnh để vượt qua khó khăn đó để chứng minh mình không phải nằm trong số đông những người chuyển ngành ngoài kia.  

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *